José de Sousa Saramago là một trong những nhà văn, nhà thơ người Bồ Đào Nha nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Ông cũng là người duy nhất đạt giải Nobel Văn học (1998) của đất nước này. Mù lòa là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi bật nhất của ông, một câu chuyện đầy cảm động về những góc khuất của cuộc sống.
Mù lòa là một cuốn sách hết sức đặc biệt bởi sự liền mạch trong đối thoại của các nhân vật. Ở Mù lòa, dấu chấm phẩy, dấu chấm đều trở nên “tàng hình”, chỉ có dấu phẩy để phân biệt những lời đối thoại không cùng một người. Bởi lẽ vậy, cuốn sách này dễ dàng thu hút người đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

MÙ LÒA – KHI TẤT CẢ CHỈ CÒN LẠI MỘT MÀU TRẮNG XOÁ
Mù lòa xuyên suốt về một “thế giới” của những người mù, thay vì một màu đen thăm thẳm, trong mắt họ lại là một màu trắng xóa. Cuốn sách bắt đầu bằng việc một người đàn ông bỗng bị mù khi đang dừng xe vì gặp đèn đỏ trên đường. “Mù” giống như một đại dịch khi bất cứ ai tiếp xúc với người đàn ông này, chớp mắt, mọi ánh sáng đều tắt ngụm. Duy chỉ có người vợ của ông bác sĩ nhãn khoa, bà vẫn nhìn thấy rõ mọi thứ, nhưng giả vờ mù để được chăm sóc chồng mình.
“Người mù trong thành phố này chờ đợi gì, nào ai biết, họ có thể đang đợi một phương thức nếu họ còn tin tưởng, nhưng họ hết hy vọng khi công chúng biết rằng dịch mù đã không chừa một ai…”

Để ngăn chặn “mù trắng” trở thành hiểm hoạ cho người dân. Chính quyền nơi đây đã quyết định nhốt tất cả những người mù bị lây bởi người đàn ông lái xe vào một nơi khỉ-ho-cò-gáy: bệnh viện bị bỏ hoang đã lâu. Hàng trăm người sống chật vật, thiếu thốn, chen chúc, dẫm đạp lẫn nhau… Từ lúc nào, nhà vệ sinh đã không còn là nhà vệ sinh đúng nghĩa, chỗ ngủ đến miếng ăn đều phải dành dật đổ máu. Những người phụ nữ bất lực, đổi lấy thân xác, chịu sự hành hạ dã man chỉ để có được bữa ăn… Mất đi đôi mắt, mất đi ánh sáng, cuộc sống của họ từ những ánh cười vui tươi, màu sắc của hy vọng, của niềm tin dần trở nên biến chất, tất cả chỉ còn là một màu xám ảm đạm, tuyệt vọng và chán nản.
“Khi chúng ta quá túng quẫn, bị đau đớn và khổ não quấy rầy, khi ấy bản tính thú vật của chúng ta sẽ trở nên hiển nhiên nhất.”
ÁNH SÁNG GIỮA THẾ GIỚI TỐI TĂM CỦA NGƯỜI “MÙ TRẮNG”
Cuộc sống của những người mù tưởng như đã lụi tắt. Nhưng thật may, giữa bóng tối ấy, vẫn còn có ánh sáng của sự nhân từ, của lòng yêu thương người: Cô gái đeo kính đen, người đàn ông lái xe bị mù đầu tiên, bác sĩ nhãn khoa… Và có lẽ, người vợ của bác sĩ nhãn khoa chính là ngọn lửa thắp lên ý chí cho mọi người khi bị nhốt ở bệnh viện bỏ hoang này.
Bà là một người hiền từ, vô cùng nhân hậu. Bà sẵn sàng làm hết sức mình để có thể cứu giúp những con người khốn khổ vì căn bệnh “mù trắng”. Sự xuất hiện của bà giống như một ngọn đuốc, là niềm tin, là điểm tựa cho những người mù, cho cả câu chuyện…
“Em không nghĩ chúng ta đã hoá mù, em nghĩ từ trước đến giờ chúng ta vẫn mù, Mù nhưng không thấy, Những người mù có thể nhìn, nhưng không thấy.”

LỜI KẾT
Với cốt truyện mới lạ, lối kể chuyện hấp dẫn, José Saramago đã thực sự rất thành công trong việc khắc hoạ Mù lòa về một thế giới hư ảo. Một thế giới không có thực khi con người trở nên mù lòa. Đó là một bức tranh về hiện thực xã hội nhưng lại không thể nhìn bằng mắt thường. Chỉ khi đặt mình vào trong đó, ta mới có thể cảm nhận được sự biến chất, tha hoá của con người. Phải chăng, một khi đã kham khổ đến tận cùng, chúng ta đều sẽ bộc lộ bản năng như một con thú, mất đi nhân tính, mất đi những cốt lõi, tinh túy của con người?
“Nếu chúng ta không thể sống hoàn toàn như con người, ít nhất chúng ta hãy làm mọi việc trong khả năng của mình để đừng sống hoàn toàn như con thú.”
Mình tin rằng đây là một cuốn sách mà ai trong chúng ta cũng nên đọc và cảm nhận. Chắc chắn Mù lòa sẽ không khiến bạn hối hận về sự lựa chọn này đâu!