KAFKA BÊN BỜ BIỂN – HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BẢN NGÃ - Ebook miễn phí

KAFKA BÊN BỜ BIỂN – HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BẢN NGÃ

by Jack Sparrow
Xem Link tải cuối bài viết!!!

“Cái mà ta gọi là bản ngã hay ý thức là phần nổi trên mặt nước của tảng núi băng: phần quan trọng nhất vẫn chìm trong vùng bóng tối. Và đó chính là nguồn gốc của những mâu thuẫn và hoang mang sâu sắc thường giày vò chúng ta.”

Tôi bắt đầu đọc Kafka bên bờ biển cách đây một năm. Khi viết bài này, tôi vẫn còn 2 chương chưa đọc xong. Thời gian 1 năm để đọc Kafka không phải là dài vì nó không đơn thuần là một cuốn sách. Cuốn đầu tiên tôi đọc của Haruki Murakami là Rừng Na uy lúc tôi học lớp 10. Vào thời ấy, đó là cuốn sách văn học Nhật Bản đầu tiên tôi được tiếp xúc. Trần tục và đầy nhục dục, đó là hai từ tôi nhớ về cuốn sách đó. Đến giờ tôi vẫn chưa đọc lại, nhưng tôi biết mình sẽ nghĩ khác về nó. Bởi vì đó là phong cách của Murakami, thích làm người khác phải thay đổi suy nghĩ. Sếp tôi khuyên tôi đọc cuốn này sau khi đã biết tôi được mấy tháng. Đến giờ tôi mới hiểu tại sao. Bởi tôi tìm thấy mình trong từng câu chữ. Tôi thấy tôi như cậu bé Kafka Tamura, chắc đến cuối đời cũng không thôi đi tìm bản ngã. Tôi đã từng ước mình như cụ Nakata, sống một cuộc sống không lo nghĩ, sống theo cảm tính và tự do với ước muốn của bản thân. Hoshino là một phần trong tôi, cảm giác của Hoshino khi trăn trở về con ngừoi, về cuộc sống hiện tại và dòng nước trong trẻo róc rách chảy qua tim anh sau khi anh gặp Nakata, sau khi nghe bản “A l’archiduc” y như tôi sau khi tôi biết được người mình yêu và đam mê nước hoa. Miss Saeki là lời cảnh báo cho tôi vì ” Con ngừoi ta, khi còn sống, vẫn có thể trở thành ma”, đau khổ như một cơn lốc xoáy, ta dễ dàng vùi mình trong đó và cứ phải nương theo. Sự nhiệt thành nuôi dưỡng tâm hồn, phải làm sao để mùa xuân dài hơn mùa đông. Oshima triết lý, mang hai tâm hồn trên cùng một thể xác nhưng anh sống bình lặng đón nhận mọi thứ như một duyên số, ”Hạnh phúc là ngụ ngôn, còn bất hạnh là chuyện đời”. Cuốn sách như một xã hội thu nhỏ, chỉ vài tuyến nhân vật nhưng bất cứ ai đọc vào cũng sẽ thấy một phần của mình trong đó. Đọc Kafka là chấp nhận cảm giác không biết đi về đâu vì những chương đầu khá khó đọc. Có ba tuyến truyện khác nhau, dần dà thành hai rồi thành một. Chỉ khi đến cuối truyện, những rối rắm, không đầu không đuôi ấy mới được mở ra. Văn ông viết như không viết, có thể tôi đọc bản tiếng Pháp và tiếng Việt nên không biết tiếng Nhật ông viết thế nào. Từ ngữ không quá phức tạp, rối rắm, những câu đơn giản nhưng tượng hình, đầy triết lý. Với Murakami, phải chấp nhận bước qua khỏi tấm gương khổng lồ, để nhận phần thân thể còn lại của mỗi người, dù nó xấu xí hay kệch kỡm, dù nó đen tối hay tàn bạo; chỉ có chấp nhận, ta mới thấy bản thân mình hoàn thiện. “Các vị thần Hy lạp mang tính chất huyền thoại hơn là tôn giáo. Nghĩa là họ có những khuyết điểm giống như con người, cũng nổi nóng, cũng thèm khát tính dục, cũng ghen tuông…” Những gì ông viết lấy của tôi rất nhiều thời gian, vì cứ đọc được một đoạn tự khắc những suy nghĩ của tôi lại trôi bềnh bồnh về cuộc sống, về tương lai, về quá khứ. Những suy nghĩ, câu hỏi của nhân vật làm tôi đắn đo, giật mình. Tôi sợ hay hoài nghi mình đã trở nên trống trải như Hoshino, như Nakata, như Miss Saeki ” Như lớp sương mù trên biển, sự trống trải ấy len vào tim mày, lưu lại đó hồi lâu , lâu đến mức trở thành một phần trong con người mày”. Tôi sợ “với vực thẳm thời gian”, tim mình, những con chữ của mình sẽ lặng lẽ “chất đống dưới đáy tăm tối của một cái hố miệng núi lửa”. Ban đầu, với chút ngạc nhiên, tôi thắc mắc về sự lựa chọn của Murakami, tại sao ông lại để một đứa trẻ 15 tuổi đầu dấn thân vào một hành trình khắc nghiệt như vậy. Rồi càng đọc và hồi tưởng, tôi thấy tôi hồi đó cũng y như vậy. Hoài bão lớn lao về sự hoàn thiện, học cách chế ngự bản thân trước những cám dỗ, chống chọi với số phận, Kafka bỏ nhà ra đi còn tôi rời Việt nam lúc 20 tuổi. Sự sợ hãi túc trực, con người ta chỉ bắt đầu hoàn thiện khi biết mình không hoàn hảo. Chất truyện buồn mang mác, cô đơn và nhiều hoài niệm, khi đọc xong, ta lại thấy mình tươi trẻ, suối nguồi lại chảy mạnh hơn. Con ngừoi ta một khi không biết đi về đâu thì nên nhìn lại nơi mình bắt đầu. Tôi thấy mình, mệt nhoài, ướt sũng những lo toan bước ra từ trong cơn bão lòng. “Và khi cơn bão đã chấm dứt, bạn sẽ không nhớ rằng mình làm thế nào để vượt qua nó, làm thể nào để mình sống sót. Thậm chí bạn cũng không biết thực sự cơn bão đã thực sự chấm dứt hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn. Khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn không còn là người đã dấn thân bước vào nó. Ý nghĩa của một cơn bão là thế đó.”

Tham khảo thêm ngay  Sách ruột ơi là ruột

Sách liên quan nên xem

Leave a Comment